BẢN TIN HÀNG HÓA 09/10/20: KỲ VỌNG GÓI KÍCH THÍCH CỦA MỸ HÀNG HÓA ĐỒNG LOẠT TĂNG

Dầu tăng do cắt giảm nguồn cung

Giá dầu tăng trên 43 USD/thùng được hỗ trợ từ việc đóng cửa sản xuất trước một cơn bão tại Vịnh Mexico ở Mỹ và khả năng giảm nguồn cung từ Saudi Arabia và Na Uy.

Đóng cửa phiên 8/10, dầu thô Brent tăng 1,35 USD hay 3,2% lên 43,34 USD/thùng sau khi giảm 1,6% trong phiên trước đó. Dầu thô WTI tăng 1,24 USD hay 3,1% lên 41,19 USD.

Dầu cũng được hỗ trợ từ khả năng tình trạng thiếu hụt sản xuất tại Biển Bắc do công nhân đình công. Các công ty dầu mỏ và người lao động cho biết họ sẽ họp nhóm với một người hòa giải do nhà nước chỉ định vào ngày thứ sáu (9/10), với hy vọng chấm dứt cuộc đình công có nguy cơ làm giảm sản lượng dầu và khí của Na Uy khoảng 25%.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã bị thách thức bởi sản lượng đang gia tăng của Libya, một thành viên OPEC được miễn trừ cắt giảm sản lượng, cũng như số ca nhiễm virus corona tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Thị trường cũng được hỗ trợ từ cơn bão Delta, dự báo sẽ mạnh lên thành cơn bão cấp 3 ở Bờ Vịnh, sản lượng đã bị giảm gần 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Cao su Nhật Bản lên mức cao nhất trong 5 tuần

Giá cao su của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần do hy vọng về thỏa thuận một phần với gói kích thích của Mỹ trong khi JPY yếu hơn cũng hỗ trợ giá.

Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch Osaka (OSE) giao tháng 3/2021 đóng cửa phiên tăng 3,3 JPY hay 1,8% lên 191,4 JPY (1,81 USD)/kg. Giá đã tăng lên 192,3 JPY trong phiên này, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 3/9.

Sau khi ngừng đàm phán về một thỏa thuận kích thích bổ sung, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter Quốc hội nên phê duyệt tiền cứu trợ cho các hãng hàng không làm dấy lên hy vọng về gói cứu trợ.

Đồng JPY yếu hơn cũng hỗ trợ giá cao su. Một USD đổi được 106,01 JPY so với 105,73 JPY trong ngày trước đó.

Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn giao dịch Singapore đóng cửa tăng 1,1% lên 141,0 US cent/kg.

Đường thô cao nhất 7 tháng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa phiên tăng 0,03 US cent hay 0,2% lên 14,17 US cent/lb, sau khi chạm 14,22 US cent/lb trong đầu phiên giao dịch, mức cao nhất kể từ ngày 2/3.

Các đại lý cho biết các quỹ tiếp tục vị thế mua vào trong tình trạng thời tiết bất lợi tại nước xuất khẩu hàng đầu Brazil.

Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,7 USD hay 0,4% lên 385,8 USD/tấn.

Các đại lý đợi số liệu từ khu vực trung nam Brazil trong nửa cuối tháng 9 được Unica phát hành vào ngày thứ sáu. S&P Global Platts khảo sát các nhà phân tích cho thấy sản lượng đường trong giai đoạn này ở mức 2,88 triệu tấn tăng 60,8% so với năm trước.

Cà phê thế giới tăng

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,65 US cent hay 0,6% lên 1,1025 USD/lb, tiếp tục phục hồi sau xuống mức thấp nhất 2 tháng trong tuần trước.

Các đại lý cho biết thời tiết khô tại Brazil vẫn là một mối lo ngại mặc dù dự báo có mưa trong vài ngày tới.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 5 USD hay 0,4% lên 1.251 USD/tấn.

Tại Việt Nam giá cà phê giảm tuần thứ 3 liên tiếp theo xu hướng giá giảm tại London. Nông dân tại Tây Nguyên bán cà phê ở mức giá 31.300 – 31.800 đồng (1,35 – 1,37 USD)/kg so với mức giá 31.500 – 32.000 đồng một tuần trước.

Một lái thương ở Tây Nguyên cho biết hoạt động mua bán chững lại do không còn cà phê từ niên vụ 2019/20, trong khi vụ cà phê mới vẫn chưa chín. Một lái thương khác cũng ở khu vực này cho biết sản lượng niên vụ 2020/21 sẽ giảm 5% so với niên vụ trước đó.

Các thương nhân đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 160 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 tại London, mức cộng một tuần trước so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 là 100 – 110 USD/tấn.

Tại Indonesia cà phê Sumatran cũng được chào với mức cộng tăng trong tuần này. Một lái thương chào bán với mức cộng 250 – 270 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11, so với 190 USD trong tuần trước. Việc mức cộng tăng là để bù cho giá cà phê chuẩn giảm, trong khi sản lượng từ vụ thu hoạch hiện tại bắt đầu chậm lại.

Nguồn: tổng hợp, trí thức trẻ.

Đặng Trung Vinh, chuyên viên phân tích thị trường

Print Friendly, PDF & Email
error: Content is protected !!